Cổ chân răng bị mòn gây ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của hàm răng và khiến người bệnh bị ê buốt, khó chịu khi ăn nhai. Vậy thực hư mòn cổ chân răng là gì? Cách điều trị răng bị mòn cổ chân răng như thế nào? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
1. Mòn cổ chân răng là gì?
Mòn cổ chân răng (mòn cổ răng) là những tổn thương ở các tổ chức cứng của răng, không phải do sâu răng. Đặc điểm của tình trạng này là mất lớp men răng ở khu vực cổ răng, mặt ngoài răng – sát với lợi. Ở vùng cổ răng xuất hiện một rãnh sâu, lõm vào hình chữ V ở mặt ngoài răng ở sát viền lợi. Tình trạng mòn cổ răng gặp ở cả nam giới và nữ giới, tuổi càng cao thì tỷ lệ mòn cổ răng càng tăng.
Mòn cổ chân răng có thể là tình trạng mòn lõm mất chất vùng men răng, nặng hơn có thể mòn tới lớp ngà, phá hủy tủy răng, gây ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh. Thậm chí, cổ chân răng bị mòn có thể dẫn tới viêm tuỷ và mất răng.
Triệu chứng điển hình của mòn cổ chân răng gồm:
- Răng bị ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh
- Đau dai dẳng, đau lan tới đỉnh đầu
- Nếu không điều trị kịp thời, răng sẽ bị mất chất trầm trọng, có thể bị gãy ngang cổ răng, buộc phải nhổ bỏ
2. Nguyên nhân gây mòn cổ chân răng
Thiểu sản men răng: Có những người từ bẩm sinh đã có tình trạng men răng thiểu sản, chưa khoáng hóa hoàn toàn được hoặc bị mất nâng đỡ của khung cấu trúc bên dưới. Tổn thương này có đặc trưng là các vết mất men răng mủn như phấn.
Vôi răng tồn tại lâu ngày: Vôi răng được hình thành và bám dính lâu ngày trên răng sẽ khiến bị tụt lợi, để lại chân răng trống trơn, không được bảo vệ. Lúc này, răng sẽ dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, axit trong thức ăn,… lâu ngày dẫn tới bào mòn cổ chân răng.
Thói quen đánh răng không đúng cách: Thói quen đánh răng chải ngang bàn chải, lực mạnh, kết hợp với các chất mài mòn trong kem đánh răng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mòn cổ chân răng.
Không có hướng dẫn răng nanh: Thông thường, răng hàm của mỗi người chỉ chạm nhau khi đóng sập 2 hàm lại; khi nghiến sang 2 bên thì răng hàm không chạm nhau mà chỉ chạm răng nanh – đây là hướng dẫn của hàm lý tưởng. Nếu khi nghiến răng hàm chạm nhau thì lực cọ xát lên các răng này sẽ rất lớn, còn nếu chỉ chạm răng nanh thì lực co cơ khi siết sang bên sẽ nhẹ. Với người bị nghiến sang bên chạm vào răng hàm thì các răng này dễ bị xoắn vặn, gây mất men răng vùng cổ chân răng.
Bệnh viêm quanh răng: Các tình trạng này có thể gây tụt lợi, lộ lớp cement chân răng. Đây là lớp có độ cứng thấp, dễ bị mòn khi chịu các tác động từ bên ngoài.
Tật nghiến răng: Khi nghiến răng, các răng sẽ dễ bị mòn, ê buốt ở vùng mặt nhai và vùng cổ chân răng.
Nguyên nhân khác: Do sử dụng nhiều các thực phẩm có tính axit hoặc hóa chất, do di truyền, bệnh liên quan tới tiết nước bọt,…
3. Khắc phục mòn cổ chân răng bằng cách nào?
Tuỳ vào mức độ mòn cổ chân răng khác nhau mà sẽ có những cách khắc phục khác nhau:
Với những trường hợp tổn thương nhẹ chưa vào tới tủy răng, bác sĩ chỉ cần trám vùng cổ chân răng bị mòn là được. Với những tổn thương đã lan đến tủy răng, bác sĩ cần điều trị tủy và bọc sứ để đảm bảo răng được duy trì lâu dài trên khung hàm. Trường hợp bệnh nhân bị mòn cổ răng, kết hợp với tụt lợi, lộ lớp cement chân răng thì bác sĩ có thể phải ghép mô liên kết để che phủ vùng chân răng bị lộ và xóa tổn thương mòn cổ răng.
Trường hợp mòn cổ răng kết hợp mất hướng dẫn răng nanh, bác sĩ sẽ tiến hành đắp tạo hướng dẫn răng nanh để bảo vệ mối hàn.
Trường hợp bệnh nhân có nghiến răng, bác sĩ có thể phải làm máng nhai cho người bệnh đeo vào ban đêm để chống lại nguy cơ biến chứng của việc nghiến, cọ 2 hàm răng với lực mạnh liên tục lên nhau.
4. Biện pháp phòng tránh mòn cổ chân răng
Đối với biện pháp phòng tránh mòn cổ chân răng bạn có thể tham khảo những biện pháp dưới đây nhằm khắc phục tình trạng này:
- Đánh răng đúng cách, chải dọc hoặc theo đường tròn, không chải ngang, ưu tiên dùng chỉ nha khoa, bàn chải lông mềm và kem đánh răng có độ mài mòn thấp để vệ sinh răng miệng.
- Không nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều axit, đồ ngọt và các chất kích thích,… vì chúng có thể gây mòn răng.
- Súc miệng sau khi ăn để loại bỏ vi khuẩn giảm nguy cơ mòn men răng.
- Tiến hành lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần.
Bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ kiến thức về mòn cổ chân răng và cách điều trị cho từng mức độ cụ thể. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng bệnh này và tìm được cách khắc phục phù hợp nhất với tình trạng của mình.
Nha khoa Liên Thanh
Địa chỉ: 30A Hạ Hồi – P. Trần Hưng Đạo – Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội
Hotline tư vấn: 024.62.676767 – 0963000451
Hotline đặt lịch khám: 0973.306.754
Website: https://nhakhoalienthanh.com.vn/